Tác động kinh tế từ căng thẳng Trung Đông

Thị trường lóe lên những dấu hiệu xấu ngay từ đầu ngày 14-4 do lo ngại xung đột lan rộng ở Trung Đông, sau khi Iran phóng hơn 300 máy bay không người lái (drone) và tên lửa các loại để trả đũa Israel.

Vai trò eo biển Hormuz - Nguồn: RFE/RL - Dữ liệu: Minh Khôi - Đồ họa: N.Kh.

Vai trò eo biển Hormuz - Nguồn: RFE/RL - Dữ liệu: Minh Khôi - Đồ họa: N.Kh.

Giá tiền điện tử, cụ thể là bitcoin, giảm khá mạnh vào tối 13-4 (giờ Mỹ). Đây là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu về tình trạng hỗn loạn của thị trường khi các nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc các rủi ro về viễn cảnh xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Tâm lý tiêu cực bao phủ

Bức tranh đầy đủ hơn về phản ứng của Phố Wall trước cuộc tấn công quân sự toàn diện lần đầu tiên của Iran nhằm vào Israel sẽ xuất hiện vào tối 14-4 (tức sáng 15-4 theo giờ VN), khi giao dịch tương lai mở cửa ở Mỹ đối với cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa và tiền tệ.

Dù vậy, diễn biến các phiên giao dịch ngày 12-4 cũng cung cấp phần nào dự đoán về những gì sẽ xảy ra. Thông tin Iran sắp tấn công Israel dẫn đến một loạt biến động giá, trong đó cổ phiếu bị bán tháo trong phiên giao dịch cuối tuần qua mà dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ.

Giá bitcoin đã giảm 5% trong phiên giao dịch ngày 12-4, trong khi đồng ether giảm hơn 7% và XRP giảm 13,5%. Theo CoinMarketCap, sang ngày 13-4, đồng tiền kỹ thuật số hàng đầu hiện nay còn giảm mạnh hơn, với mức giảm 7,9%, xuống còn 61.842 USD. Đây là lần giảm mạnh nhất của bitcoin trong năm, kể từ khi lập đỉnh ngày 14-3 với 73.794 USD.

Giá dầu ở Mỹ tăng tới 3%, lên mức 87 USD/thùng. Trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, khiến lợi suất trái phiếu 10 năm giảm tới 10 điểm cơ bản trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn.

Đồng USD tăng giá do căng thẳng địa chính trị, khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với các loại tiền tệ rủi ro hơn của thị trường mới nổi. Ngay cả đồng euro cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng so với đồng bạc xanh, một phần do thị trường đang cân nhắc khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất trước Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi đó, giá vàng - theo truyền thống được xem là tài sản trú ẩn an toàn - đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, trên 2.400 USD/ounce, trước khi đảo ngược mức tăng vào cuối ngày 12-4.

Giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng

Theo Hãng tin Reuters, tác động của cuộc xung đột Iran - Israel với thị trường dầu mỏ toàn cầu là rất lớn vì bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể dẫn đến tăng giá. Ông Manish Raj, giám đốc điều hành công ty đầu tư vào thị trường năng lượng Velandera Energy Partners, cho biết "vũ khí bí mật của Iran là khả năng phong tỏa eo biển Hormuz".

Eo biển Hormuz - tuyến đường biển giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman - là điểm vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới. Trong nửa đầu năm 2023, lưu lượng dầu qua eo biển này đạt trung bình 21 triệu thùng/ngày, chiếm 21% lượng tiêu thụ dầu mỏ dạng lỏng toàn cầu.

Chỉ huy hải quân Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, ông Alireza Tangsiri, hồi đầu tuần nói rằng sự hiện diện của Israel tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) được Tehran coi là mối đe dọa và nước này có thể đóng cửa eo biển Hormuz nếu thấy cần thiết.

Trước đó, cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza giữa Israel - Hamas cũng ảnh hưởng đến giá dầu dù không đáng kể. Bất chấp cường độ xung đột ở Gaza, giá dầu thô Brent vẫn ổn định ở mức khoảng 80 USD/thùng.

Tuy nhiên, việc Iran tấn công Israel sẽ tăng thêm áp lực, khiến giá dầu thô có thể tăng lên gần mức cao nhất trong sáu tháng. Khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông trong vài tuần gần đây, giá dầu Brent đã tăng tới 2,7%, lên mức 92 USD/thùng.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày để duy trì sự ổn định của thị trường. Các nhà phân tích dự đoán rằng nếu cuộc tấn công của Iran dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng hơn trong khu vực, giá dầu có thể tăng lên trên 100 USD/thùng.

Theo báo Iran International, sự tham gia của Tehran vào cuộc xung đột trong khu vực sẽ cản trở nỗ lực tăng trưởng kinh tế của nước này, làm giá trị đồng rial giảm thêm. Ngoài ra, xung đột sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế khác như lạm phát, xuất khẩu dầu giảm và tăng trưởng GDP thấp.

Giá trị đồng rial của Iran giảm là kết quả trực tiếp của tâm lý lo ngại về nguy cơ xung đột mở rộng. Các nhà đầu tư trong nước phòng ngừa rủi ro bằng cách mua USD và các loại tiền tệ khác, một phần trong số đó được gửi ra nước ngoài, làm trầm trọng thêm tỉ lệ dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài vốn đã cao trước đó.

Kịch bản bi quan nếu xung đột lan rộng

Vào ngày 15-2, Viện Tài chính quốc tế (IIF - trụ sở ở Washington) đã công bố báo cáo về hậu quả kinh tế toàn cầu do chiến tranh khu vực. Theo đó, một kịch bản bi quan có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,4 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở vào năm 2024, dẫn đến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chỉ còn 2,4%.

Trong kịch bản bi quan này, Trung Đông phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc, bao gồm khả năng gián đoạn sản xuất dầu, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nước GCC (gồm sáu quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman) và thiệt hại về cơ sở hạ tầng ở Lebanon và Israel.

Nền kinh tế Iran có thể suy giảm khoảng 5%, với lạm phát vượt quá 100%. Nền kinh tế Ai Cập có thể bị ảnh hưởng do lượng hàng hóa đi qua kênh đào Suez giảm.

Theo Tuổi Trẻ